Mười năm qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và sự chung tay của người dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến rõ nét từ cơ sở hạ tầng và đời sống vật chất tinh thần của người dân địa phương. Kết quả sự phấn đấu không mệt mỏi đó là vinh dự, là niềm tự hào khi được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nếu như khoảng 10 năm trước, muốn về xã Vĩnh Quới thì chỉ duy nhất tuyến lộ đal, với chiều ngang chưa tới 02 mét, đầy những ổ gà, ổ voi; việc đi lại của người dân đa số bằng đường thủy, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, hạ tầng văn hóa, giáo dục chưa được đầu tư. Ông Phạm Khắc Điệp, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quới, nhớ lại: “Năm 2010, với xuất phát điểm thấp, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng của thị xã chưa được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống điện, đường, trường học và trạm y tế xã chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân; thu nhập bình quân đầu người chỉ 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 24%”.
Với nền kinh tế còn khó khăn và xuất phát điểm thấp, Ban Thường vụ Thị ủy Ngã Năm đã đề ra 03 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: đẩy mạnh tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đầu tư thủy lợi, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Ông Trương Văn Đáng - Bí thư Chi bộ - Trưởng ban nhân dân ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, chia sẻ: “Lúc ban đầu vận động người dân rất khó, đảng viên, đoàn hội viên ở Chi bộ phải làm gương trước, rồi từ từ người dân mới làm theo; việc tuyên truyền phải xác định từng đối tượng để có cách tiếp cận tuyên truyền để bà con dễ tiếp thu và hiểu được nội dung trong xây dựng nông thôn mới, nhất là những phần việc mà bà con thực hiện”.
Với sự quyết tâm chỉ đạo, trong giai đoạn 2011 - 2015, thị xã Ngã Năm đã được Ùy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng công nhận 02 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là xã Tân Long và xã Mỹ Quới. Và đến năm 2018 - 2019, thị xã Ngã Năm được tỉnh công nhận thêm 03 xã nông thôn mới là xã Long Bình, xã Vĩnh Quới và xã Mỹ Bình. Vinh dự hơn vào cuối năm 2019, thị xã Ngã Năm được Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đánh giá hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đạt khá nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, các ấp đều có đường bê tông, xe bốn bánh về tới trung tâm xã, với trên 210 km được đầu tư đồng bộ. Có lộ giao thông, việc mua bán trao đổi hàng hóa của bà con vùng nông thôn trở nên dễ dàng, từ đó thúc đẩy sản xuất tăng thu nhập cho bà con vùng nông thôn ở Ngã Năm.
Anh Quách Văn Tùng - Người dân ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, phấn khởi bày tỏ: "Có lộ giao thông bà con vùng nông thôn rất phấn khởi, ngày xưa muốn trồng được trái dưa leo, trái cà, rau cải đều phải chèo ghe ra chợ để bán, còn bây giờ mọi chuyện lại khác, thương lái vô thu mua tại nhà, bà con tiết kiệm được thời gian và đầu ra cho các mặt hàng nông sản cũng dễ dàng”.
Hạ tầng giao thông được đầu tư tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; đồng thời, thực hiện tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập người dân gắn với giảm nghèo bền vững trong 10 năm qua đã tạo chuyển biến khá rõ nét. Đến nay, thị xã Ngã Năm phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản ST gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó lúa đặc sản hằng năm chiếm trên 65% diện tích. Triển khai mô hình xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo của hợp tác xã nông nghiệp 4.0 tại Hợp tác xã Long Thành, xã Tân Long; Hợp tác xã Chanh không hạt có liên kết bao tiêu sản phẩm (Mỹ Bình); mô hình trồng mãng cầu gai theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển chuỗi giá trị sản xuất trà mãng cầu Cẩm Thiều và một số mô hình sản xuất đa canh, mô hình 3 cây 1 con... Qua đó nâng giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp đạt trên 130 triệu đồng (tăng 46,68 triệu đồng so với năm 2011); tăng trưởng của sản xuất ngành nông nghiệp bình quân hằng năm 4,4%.
Ông Hồng Minh Nhật - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, chia sẻ: "Địa phương đã thúc đẩy thực hiện chương trình OCOP, đến nay thị xã có 04 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 03 sao, 04 sao được người tiêu dùng biết đến và quan tâm sử dụng như: trà mãng cầu Cẩm Thiều, gạo sữa An Cư... và có trên 35 cơ sở được bảo hộ nhãn hiệu, 07 cơ sở được cấp chứng nhận hợp quy, chủ yếu là các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của thị xã như trái mãng cầu, trà mãng cầu, mắm cá đồng, lúa đặc sản, chả cá... Theo đó, đời sống thu nhập người dân địa bàn nông thôn được cải thiện đáng kể, tính đến cuối năm 2019 thu nhập bình quân đầu người 47,22 triệu đồng (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011)”.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo thị xã đã có bước phát triển toàn diện về mọi mặt, tính đến nay, có 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 05 tuổi, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt 99%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 32,4%. Cơ sở vật chất trường lớp được xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hệ thống y tế phát triển rõ nét, nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh trên địa bàn. Trung tâm Y tế thị xã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị theo quyết định của Bộ Y tế, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,24%. Công tác xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa” đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhìn lại gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã Ngã Năm đã huy động tổng nguồn lực để thực hiện gần 2.140 tỷ đồng đầu tư cho chương trình. Trong đó, vốn trực tiếp cho chương trình là 522 tỷ đồng, vốn lồng ghép 201 tỷ đồng, vốn tín dụng 854 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 220 tỷ đồng và vốn đóng góp từ cộng đồng dân cư 343 tỷ đồng. Với phương châm: “Có điểm bắt đầu, chứ không có điểm kết thúc”, Thị ủy - Ủy ban nhân dân thị xã Ngã Năm tiếp tục chỉ đạo bằng nhiều giải pháp để thực hiện tốt việc nâng chất các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Bí thư Thị ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Ngã Năm, cho biết: “Mục tiêu của thị xã là phấn đấu cuối năm 2020, xã Tân Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; để thực hiện đạt mục tiêu đó, địa phương tập trung các giải pháp như: tập trung chỉ đạo các ngành, các xã xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới sát với tình hình thực tế của ngành, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tranh thủ các nguồn lực đầu tư hoàn thiện và nâng chất cơ sở hạ tầng thiết yếu; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục”.
Với những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025 thị xã Ngã Năm tập trung huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng lộ trình thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Với mục tiêu 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Một số hình ảnh nổi bật sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới.